ĐỪNG VỘI BỎ QUÊN SỰ TỒN TẠI CỦA COVID-19
Viễn cảnh tình hình kinh tế sẽ còn khó khăn từ 2 - 5 năm tới. Đại họa Covid 19 sẽ còn diễn biến ngày càng phức tạp và khó có thể chấm dứt khỏi cộng đồng. Việc nhìn thấy trước viễn cảnh này, sẽ giúp bạn có bước chuẩn bị vững chắc để luôn đảm bảo an toàn cho tình hình tài chính của bạn và gia đình.
Chuỗi ngày khó khăn tài chính còn ở ngay trước mắt
Mọi thứ dường như bị đình trệ. Và càng ngày, con người sẽ ngày càng thu hẹp thu chi. Khiến cho sự luân chuyển tiền, các giao dịch càng ngày càng khan hiếm. Nói thẳng ra, là càng ngày bạn sẽ càng khó kiếm tiền. Bây giờ không phải là thời khắc của việc tiêu xài vung tay, mà kể từ bây giờ đến 2 - 5 năm tới, phải đi vào thế phòng thủ. Vừa chuyển dịch kinh doanh sang online, vừa tiết kiệm tiền phòng khi có rủi ro ập đến.
Có lẽ vì Việt Nam đang kiểm soát dịch tốt, nên nhiều người dần quên đi sự hiện hữu của hiểm họa Covid 19. Nhưng bạn có biết rằng, ngay tại thời điểm này, ngày 25/07/2020, các nước khác và toàn thế giới đang phải oằn mình chống dịch. Cho dù Việt Nam có kiểm soát dịch tốt, thì kinh tế vẫn sẽ bị chặn, do thiếu nguồn tiền giao dịch với nước ngoài đổ về. Nước khác họ cũng đang phải phòng thủ tiền để chống dịch, lấy tiền đâu để nghĩ những giao dịch khác đây.
Nhiều người bảo, một số ngành nghề sẽ phất trong đại dịch. Nhưng khó lắm, vì toàn bộ nền kinh tế đều liên thông với nhau. May ra thì có ngành Y tế là phất. Nhưng không phải ai cũng có thể chuyển việc sang Y tế mà làm ngay được. Mọi sự chi tiêu tất tần tật từ ăn uống, nhà ở, đi lại, vui chơi,... đều trở nên hạn chế. Con người luôn có xu thế co lại trước hiểm họa.
Mà chưa kể, nếu bạn có tầm nhìn xa, thì bạn sẽ thấy rằng, Đại dịch Covid19 này, sẽ còn tiếp tục kéo dài và bùng phát hơn nữa. Dịch vẫn chưa lên đến đỉnh đâu. Nó sẽ còn kéo dài, 2 - 5 năm tới. Mọi chuyện và mọi khó khăn còn ngay phía trước. Chưa đến lúc lạc quan đâu.
1. Việc số 1: Hạn chế chi tiêu - Tích lũy tiền bạc
Suy cho cùng, những tháng đầu năm 2020, khi đại dịch và cách ly toàn xã hội xảy đến, với việc tiền lương và thu nhập cứ thế đều như vắt chanh chảy vào hàng tháng, tự dưng mất việc, doanh thu thấp đánh cái "choảng" xảy đến. Nhiều, nhiều người đã có những bài học cho bản thân. Tiếc rằng, Việt Nam phòng dịch dập dịch sớm, cuộc sống lại trở về bình thường, khiến cho nhiều người lại trở về trạng thái lạc quan. Không phải như vậy đâu, phía trước còn cực kỳ nhiều khó khăn, hiểm nguy đang rình rập. Hãy biết tích lũy để không phải hối hận muộn màng.
Bình thường, nguyên tắc quản lý tài chính mà tôi áp dụng là: Luôn có khoản tích lũy phòng 6 tháng. Tức là thế này, một tháng bạn ước chừng chi phí sinh hoạt tối thiểu cho bản thân, ví dụ như là 5 triệu chẳng hạn. Thì bạn cần phải dự trù số tiền: 6 tháng nhân với 5 triệu là 30 triệu, để phòng những sự thay đổi xảy ra như: nghỉ việc, mất việc, giai đoạn mới khởi nghiệp tiền chưa về, ốm bệnh,... Để đảm bảo cho cuộc sống. Không phải lo nghĩ về chuyện cơm áo gạo tiền hằng ngày, sẽ luôn giúp ích cho bạn tập trung làm việc, kinh doanh, tránh nóng vội hỏng việc lớn. Còn nếu bạn đã có gia đình, thì cần ước chừng chi phí sinh hoạt tối thiểu cho gia đình, một tháng là 15 triệu chẳng hạn. 6 tháng là 90 triệu. Bạn cần có 90 triệu tiền mặt phòng bị.
Số tiền tích lũy phòng 6 tháng này, bạn tích lại và gửi ngân hàng, kỳ tháng 1 tháng. Có việc lấy ra dùng, nếu không có việc lại gửi kỳ hạn 1 tháng tiếp. Việc gửi kỳ hạn một tháng để phòng trường hợp, bạn cần tiền gấp, có rút ra thì không bị mất lãi.
Tuy nhiên, đó là ở chế độ bình thường. Còn Trái đất bật chế độ Khẩn cấp vì Đại dịch Covid19 như ngày nay thì sao?
Trước tiên, bạn cần nhận định được rằng, Đại dịch này, còn chán mới hết. Đừng quá lạc quan là dập sớm được. Không những vậy, còn phải luôn chuẩn bị tâm thế, dịch có thể bùng lại bất cứ lúc nào. Và tôi dự đoán luôn là: Bạn cần chuẩn bị các phương án phòng rủi ro trong vòng 2 - 5 năm tới.
Và trước tiên, bạn cần tích lũy cho bản thân và gia đình nếu bạn đã có gia đình, quỹ phòng rủi ro 2 năm. Trước khi tích đủ quỹ này thì đừng có hoang phí.
Bản thân 1 tháng cần 5 triệu thì 2 năm, 24 tháng cần 120 triệu.
Gia đình 1 tháng cần 15 triệu thì 2 năm, 24 tháng cần 360 triệu.
Số tiền này đem gửi ngân hàng là tốt nhất. Bởi nếu mua vàng, đến khi cần bán đi, bạn lại phải phụ thuộc vào giá vàng tại thời điểm đó. và 5 năm thì khả năng lạm phát chưa có nhiều. Trong thời kỳ kinh tế như này, bọn tài chính sẽ nghĩ ra lắm trò động vào vàng, đất để điều khiển để lấy lãi, nên bạn sẽ không thể biết trước họ làm gì. Nên số tiền để tích lũy lâu dài, 20, 30, 40 năm thì để trong vàng. Nhưng một khoản tiền ngắn hạn 2 năm, và quan trọng là để bạn dùng trong bất cứ lúc nào, thì việc gửi ngân hàng sẽ an toàn cho giao dịch hơn.
Đó là việc bạn chuẩn bị cho cuộc sống cá nhân. Vậy còn công việc và kinh doanh thì sao? Hãy đọc tiếp việc số 2.
2. Việc số 2: Chuyển dịch mô hình kinh doanh một phần hoặc toàn phần sang hình thức Online
Ngày trước, nhiều bác kinh doanh, cứ nói đến việc, tôi có nhiều hệ thống cửa hàng, nhiều cửa hàng hoạt động, thuê được nhiều mặt bằng đẹp là tự hào lắm. Nhưng khi Đại dịch Covid19 ập đến, là một đòn giáng thẳng vào những người đang kinh doanh dựa vào mặt bằng trực tiếp này. Tiền mặt bằng vẫn ngốn đều, nhưng doanh thu thì sụt giảm trầm trọng. Và nguy cơ cho những người này, vẫn còn hiện hữu, chưa hết đâu. Và nếu bạn cũng đang kinh doanh mà phụ thuộc hoàn toàn vào mặt bằng trực tiếp thì đây cũng là lời cảnh báo dành đến bạn.
Đại dịch Covid19 toàn cầu đã, đang và sẽ còn diễn biến tiếp tục phức tạp. Và giống như sự thay đổi từ thời kỳ đồ đá, cầm đá đi ném thú, sang săn bắn bằng đồ đồng đồ sắt, rồi chuyển sang cầm dao, cầm liềm. Thì ngày nay, việc kiếm cơm của con người sẽ thay thế bằng công cụ lao động là cầm "con chuột" máy tính. Con người sẽ càng ngày càng hạn chế ra đường, mà sẽ chuyển sang ở trên mạng Internet nhiều hơn. Và việc Đại dịch xảy ra sẽ khiến tiến trình này xảy ra nhanh hơn gấp bội lần.
Ta không thể nào cưỡng lại sự thay đổi của tự nhiên đâu. Chỉ có cách thay đổi để thích nghi mà thôi. Chính vì vậy, thay vì mở rộng, lấn sân, hay phụ thuộc vào việc bán hàng tại mặt bằng như trước. Hãy chuyển dịch dần dần từ 30% doanh thu bán hàng online, rồi dần dần 50%, rồi 80, 90, 100% là đẹp nhất, để bắt nhịp với thời cuộc.
* Việc bạn làm rất đơn giản:
- Bước 1: Tìm kiếm thêm những sản phẩm phụ, rồi dần chuyển sang sản phẩm chính có thể đóng gói, phân phối được đi xa. Không cần phải sử dụng hay mua trực tiếp tại cửa hàng. Như cửa hàng tóc thì bán thêm dầu gội online. Ngay cả quán lẩu họ cũng ship online được thì chả có gì không làm được. Ngay cả spa, chăm sóc da hoàn toàn đóng gói lại được để chăm sóc tại nhà bằng các lọ dưỡng da,...
- Bước 2: Dựng trang web, trang youtube, gồm các bài viết, video chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức giá trị và tư vấn, bán hàng,... Đây là hai trang chủ chốt bởi nội dung truyền đạt có thể tác động được sâu. Ngoài ra các kênh phân phối truyền thông khác như: facebook, tiktok,... các thể loại khác. Để tạo nên kênh truyền thông kết nối với khách hàng và truyền giá trị lan tỏa ra cộng đồng
Cứ làm dần đi, vì cho dù bạn chưa thể có doanh thu từ Online ngay, thì những trang này cũng hữu ích đối với bạn vì chúng vẫn phục vụ trực tiếp cho việc kết nối và tác động khách hàng từ kênh trực tiếp của bạn.
Ngày trước việc làm online hay không là một sự lựa chọn. Còn ngày nay đó là bắt buộc. Bắt buộc phải bán hàng trên kênh Online, thay thế toàn bộ hoặc một phần kênh bán hàng trực tiếp, mặt bằng.
Dịch vẫn còn rình rập nguy cơ. Như những con sóng mạnh ngoài biển chỉ chực đổ sầm nuốt trọn con thuyền tài chính của chúng ta. Ta không thể nào thay đổi được những con sóng đó, nhưng ta hoàn toàn có thể chuẩn bị và thiết kế ra một chiến thuyền vững chãi và chắc chắn hơn, với rất nhiều phao cứu trợ đề phòng diễn biến xấu nhất xảy đến. Chúc bạn có sự chuẩn bị thành công trước đại dịch này.
Tiền chưa bao giờ là cái đích cuối cùng của người kinh doanh, mà chính là tài sản.
Nguồn: Phúc Tài Chính
Comments
Post a Comment